Quảng Ninh: Thư viện tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số

Thứ ba, 31/12/2024 - 09:15

Nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong thời đại 4.0, Thư viện tỉnh đã và đang ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động thư viện.

Quảng Ninh: Thư viện tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 1.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ Thư viện - Bảo tàng với quy mô được đánh giá hàng đầu cả nước. Trong đó, Thư viện tỉnh có diện tích sử dụng gần 10.000m2 với 4 phòng phục vụ khá rộng rãi cùng hạ tầng CNTT không ngừng được đầu tư, nâng cấp, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của thư viện, nhất là công tác xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và tra cứu thông tin của bạn đọc.

Để khai thác hiệu quả công trình, phục vụ tốt nhu cầu bạn đọc, Thư viện đã sớm ứng dụng CNTT vào công tác phục vụ bạn đọc thông qua phần mềm quản trị thư viện điện tử; chú trọng công tác xây dựng thư viện điện tử, thư viện số và tra cứu thông tin của bạn đọc. Đến nay, tài nguyên thông tin thư viện có khoảng 300.000 bản sách, báo, tạp chí, hơn 2 triệu tài liệu số được truy cập thông qua trang thư viện số của thư viện và hơn 200.000 trang tài liệu địa chí Quảng Ninh được số hóa.

Em Châu Hoài Anh, học sinh Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) cho biết: Khi công nghệ phát triển thì thư viện điện tử, thư viện số giúp ích rất nhiều trong tìm kiếm những cuốn sách em muốn đọc. Những lúc bận lịch học ở trường, không thể trực tiếp đến thư viện, em lại truy cập vào thư viện điện tử để tra cứu tài liệu phục vụ cho việc làm bài tập, bổ sung kiến thức hoặc làm bài thuyết trình của nhóm mà không cần trực tiếp đến thư viện mượn sách về nhà. Đặc biệt, có những cuốn sách, tài liệu quý nhưng đã quá cũ không thể mượn về được thì đã được thư viện thực hiện số hóa, chỉnh sửa đẹp mắt. Nhờ đó mà em được đọc những cuốn sách, tài liệu quý rất bổ ích.

Thư viện đã mở rộng kết nối và hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị cùng dạng, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn là website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, tài liệu số của thư viện có thể truy cập từ xa, không giới hạn về thời gian, không gian, người dùng và lưu giữ dưới nhiều định dạng khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video.

Ngoài ra, thư viện đã liên kết với cơ sở dữ liệu thư viện số của thư viện các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc; tăng cường khả năng khai thác của thư viện số bằng cách quảng bá nguồn tài nguyên số đến các trường học, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các cuộc thi trực tuyến nhằm thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.

Thư viện đã triển khai các mô hình triển lãm tư liệu, giới thiệu sách trực tuyến trên website đơn vị nhằm giúp bạn đọc tương tác từ xa; tích cực sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, YouTube và website để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá đến bạn đọc các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của thư viện. Trong 11 tháng năm 2024 đã có gần 200.000 lượt tiếp cận, trên 49.000 lượt tương tác trên fanpage và website Thư viện, đơn vị đã phục vụ gần 300 lượt tư vấn trực tuyến.

Bà Bùi Thúy Hải, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số thư viện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian tới, thư viện tỉnh sẽ tiếp tục số hóa tài liệu sách, báo, tạp chí, nhất là những tài liệu di sản văn hóa địa phương; nâng cấp hệ thống tìm kiếm và truy cập trực tuyến; thiết lập các diễn đàn trực tuyến hoặc nhóm trên mạng xã hội để tạo môi trường thảo luận, giao lưu giữa bạn đọc, thư viện và các chuyên gia về nhiều lĩnh vực; tiếp tục nâng cấp, sử dụng công nghệ để xây dựng không gian triển lãm trực tuyến để giúp bạn đọc tham quan, trải nghiệm từ xa; đẩy mạnh việc tổ chức các sự kiện, cuộc thi online để thu hút sự quan tâm và tham gia của bạn đọc, qua đó thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao dân trí, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Minh Yến

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ