PV: CĐS y tế là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình CĐS quốc gia và tỉnh Quảng Bình. Xin ông cho biết, ngành Y tế đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
- TTND Dương Thanh Bình: Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Bình đã tích cực đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chú trọng tới CĐS vào hoạt động quản lý, KCB một cách toàn diện, nhờ đó, đã có những thay đổi tích cực trong hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
PV: Xin ông cho biết, ngành Y tế đã và đang ứng dụng những công nghệ, nền tảng nào để mang lại tiện ích cho các cơ sở y tế, cũng như người bệnh?
- TTND Dương Thanh Bình: Hiện tại, ngành Y tế đã triển khai các ứng dụng: KCB từ xa: Giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, đẩy mạnh KCB từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ y tế cơ sở và từng cơ sở KCB tuyến dưới.
Phần mềm quản lý bệnh viện: Giúp kết xuất hồ sơ bệnh án số hóa một cách đơn giản, nhanh chóng. Cho phép tìm kiếm nhanh chóng hồ sơ bệnh án đã lưu trữ qua các năm dựa vào thông tin cơ bản của bệnh nhân.
Phần mềm còn giúp cho bác sĩ có thể xem thông tin điều trị, bệnh án của bệnh nhân chi tiết, đầy đủ, giúp đội ngũ bác sĩ ra các quyết định KCB nhanh chóng. Cho phép kết nối tự động nhận kết quả trực tiếp từ máy xét nghiệm, giúp bác sĩ điều trị kịp thời xử trí cho bệnh nhân, không cần phải đợi phiếu kết quả xét nghiệm.
Đơn thuốc điện tử: Hiện tại, hơn 12.000 đơn thuốc được kết nối liên thông với hệ thống đơn thuốc quốc gia. Với ứng dụng này, sẽ hạn chế tình trạng 1 đơn thuốc điều trị cho nhiều người tại các quầy bán thuốc và giúp cho người dân dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.
Nền tảng quản lý tiêm chủng: Hỗ trợ các trạm y tế lập kế hoạch buổi tiêm chủng, phân bổ đối tượng phù hợp cho từng buổi tiêm và dự trù vắc-xin phù hợp cho tháng tới. Việc triển khai phần mềm đã giúp tăng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, giảm tỷ lệ hao phí vắc-xin. Đặc biệt, việc triển khai nền tảng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thời gian qua đã hỗ trợ rất lớn trong công tác tiêm chủng, bảo đảm tiến độ và tỷ lệ tiêm chủng; giúp cho việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng phục vụ triển khai Đề án 06.
PV: Thưa ông, việc ứng dụng công nghệ số để liên thông với các bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện hội chẩn, tư vấn và hướng dẫn điều trị những ca bệnh khó từ tuyến tỉnh đã được thực hiện đến giai đoạn nào?
- TTND Dương Thanh Bình: Bước đầu, tại các bệnh viện đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống những phần mềm trong KCB, đặc biệt là hệ thống Telehealth trong tư vấn, hội chẩn, KCB từ xa với các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương. Từ đó, các ca bệnh khó, phức tạp đã được hội chẩn trực tuyến ngay tại bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm số lượng người bệnh phải chuyển tuyến và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã thực hiện hội chẩn cấp cứu 1 bệnh nhân Covid-19 nặng góp phần cứu sống người bệnh.
Hiện tại, cơ bản các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chủ yếu dự thính những buổi hội chẩn của các bệnh viện tuyến trên để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Khi bệnh viện có ca nặng, phức tạp có thể đăng ký hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên để được hỗ trợ.
PV: Trong CĐS, các hoạt động, như: Tư vấn sức khỏe, KCB ban đầu từ xa giữa các tuyến; hội chẩn cận lâm sàng, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… đang đem lại thuận lợi và khó khăn gì?
- TTND Dương Thanh Bình: KCB từ xa Telehealth được coi là xu thế tất yếu của nền y tế 4.0, là giải pháp hữu ích, xóa nhòa ranh giới giữa các tuyến y tế. Đón đầu xu thế đó, ngành Y tế đã và đang tích cực đẩy mạnh triển khai mô hình KCB từ xa với mục tiêu nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tới người dân, tiết kiệm chi phí điều trị.
Về thuận lợi, KCB từ xa giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn về địa lý, thời gian… Tham gia mô hình KCB từ xa với các bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán và điều trị hiệu quả qua những phiên hội chẩn trực tuyến với các giáo sư, chuyên gia đầu ngành. Trong đó, có rất nhiều ca bệnh khó, phức tạp, tận dụng được “giờ vàng” để cứu chữa kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên.
Đặc biệt, Telehealth còn là phương thức chuyển giao chuyên môn kỹ thuật từ xa hữu hiệu. Thông qua các buổi đào tạo, hội chẩn, sinh hoạt chuyên môn từ xa giúp bác sĩ học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, cải thiện năng lực y tế, cập nhật và làm chủ những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị; mang lại cơ hội học tập chuyên sâu, không mất chi phí đào tạo, giảm thời gian di chuyển; đồng thời tận dụng được tối đa hệ thống trang thiết bị và nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn gặp không ít khó khăn, đó là vấn đề kết nối, nhất là sự đồng bộ về hệ thống CNTT ở các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới; việc thực hiện công tác KCB từ xa cần phải có nguồn kinh phí lớn để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng bộ hóa trang thiết bị. Hiện cũng chưa có quy định về mức kinh phí, giá dịch vụ y tế trong KCB từ xa...
PV: Việc hoàn thiện HSSKĐT của từng người dân trên địa bàn đem đến lợi ích gì thưa ông?
- TTND Dương Thanh Bình: Với mục tiêu đến hết năm 2025, 90% người dân trên địa bàn tỉnh có HSSKĐT, ngành Y tế đang tích cực trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn chuyên về CNTT để thực hiện quản lý sức khỏe của người dân trên Hệ thống HSSKĐT, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ về sức khỏe cá nhân được cập nhật thường xuyên, lưu lại thông tin về tình sức khỏe liên tục, suốt đời.
Đặc biệt, HSSKĐT cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, từ đó, kết hợp với thăm khám hiện tại, thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí KCB của mỗi người dân.
Ngoài ra, việc triển khai HSSKĐT giúp cho ngành Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác. Từ đó, sẽ có những chỉ đạo rất kịp thời về phòng, chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông! Nhân ngày 27/2, xin chúc đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà mạnh khỏe, vững tin hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân!