Quảng Bình: Chuyển đổi số để "bắt bệnh" cho rừng

Thứ ba, 31/12/2024 - 15:54

Với việc ứng dụng các phần mềm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), những năm gần đây, công tác QLBVR đã có nhiều thuận lợi, đặc biệt là sự chủ động, minh bạch, kịp thời trong các vụ việc, góp phần “bắt bệnh” chính xác cho rừng để có các phương án xử lý hiệu quả.

Hai trong số các phần mềm hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang sử dụng và mang lại hiệu quả rất thiết thực để phục vụ công tác QLBVR là phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) và cảnh báo cháy rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ.
Quảng Bình: Chuyển đổi số để "bắt bệnh" cho rừng - Ảnh 1.

Tập huấn chuyển đổi số tại Quảng Bình

Trong đó, phần mềm FRMS gồm các phần mềm nhỏ được tích hợp nhiều chức năng nhằm xử lý hình ảnh và dữ liệu rừng. Đưa vào sử dụng từ năm 2017, đến cuối năm 2022, FRMS được nâng cấp đã nâng cao sự hỗ trợ các địa phương trong quá trình chuẩn hóa, đồng bộ dữ liệu…Kiểm lâm viên Trương Nam Công, Phòng Quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (QLBVR và BTTN) chia sẻ: Trước đây, khi chưa có các phần mềm, việc kiểm tra hiện trạng, diễn biến rừng cũng như nắm thông tin về tình trạng phá rừng, cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, lực lượng QLBVR phải thường xuyên tuần tra kiểm soát thực địa. Với diện tích rừng rộng lớn, địa hình phức tạp, trong khi đó lực lượng QLBVR còn mỏng, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, gian khổ nhưng hiệu quả chưa cao như mong đợi.

Khi FRMS được đưa vào sử dụng, phần mềm này đã giảm công sức và thời gian cho lực lượng QLBVR, tăng độ chính xác, kịp thời của diễn biến rừng. Trên cơ sở các số liệu về hiện trạng rừng, FRMS sẽ liên tục cập nhật thay đổi, hỗ trợ hình ảnh, thông tin cụ thể. Khi nhận thấy những bất thường qua hình ảnh viễn thám, tùy theo tính chất, quy mô và tầm quan trọng của sự thay đổi này, Chi cục Kiểm lâm sẽ có các giải pháp phù hợp trong phối hợp, chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan nhằm xác minh vụ việc để xử lý hiệu quả. Quá trình triển khai nhiệm vụ sẽ được rút ngắn nhờ sự cung cấp thông tin, hình ảnh rất chính xác của phần mềm.
Đặc biệt, với việc liên thông dữ liệu từ cấp cơ sở đến cấp bộ, FRMS bảo đảm sự minh bạch, thống nhất, trung thực về diễn biến rừng của từng địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả và tính chủ động trong việc xây dựng các phương án QLBVR.
Số liệu của Chi cục Kiểm lâm cho thấy, năm 2021, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật là 30,77ha, đến năm 2022 giảm còn 12,48ha. Cùng với những nỗ lực của các ban, ngành, địa phương và chủ rừng, thì việc ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) đã góp phần rất quan trọng để có được con số tích cực nêu trên.
Mới đây nhất, qua theo dõi hình ảnh viễn thám và thông tin phản ánh của người dân, ngày 15/2/2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản số 122/CCKL-QLBVRBTTN chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa kiểm tra, xác minh tình trạng chặt phá cây rừng tại khu vực thuộc xã Lê Hóa, Kim Hóa (Tuyên Hóa) và Hồng Hóa (Minh Hóa).
Việc xác minh được triển khai rất kịp thời khi FRMS cung cấp chính xác các diện tích rừng bị chặt phá tại tiểu khu 56C (xã Lê Hóa), tiểu khu 56B (xã Kim Hóa) và tiểu khu 57 (xã Hồng Hóa). Cùng với việc khẩn trương kiểm tra, xác minh là triển khai tăng cường lực lượng bám địa bàn, làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn và các tập thể, cá nhân liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý. So với những phương pháp thủ công trước đây, việc xử lý các vụ việc được rút ngắn rất nhiều thời gian, công sức và mang lại độ chính xác rất cao.

Năm 2022, toàn tỉnh chỉ xảy ra một vụ cháy thực bì, không ảnh hưởng đến diện tích rừng. Ngoài các yếu tố như nỗ lực của các ban, ngành, lực lượng chức năng, chủ rừng, diễn biến thời tiết, thì phần mềm cảnh báo cháy rừng “có công” rất lớn trong việc nắm bắt, kiểm soát thông tin về cháy rừng.

Theo đó, từ ghi nhận những yếu tố bất thường, phần mềm sẽ phân tích, đánh giá và gửi thông tin cảnh báo với các thông số chính xác, đầy đủ cho các cơ quan chức năng. Trên cơ sở các dữ liệu thực tế, phần mềm sẽ cảnh báo ở các cấp độ như đối diện nguy cơ cháy, đã hoặc đang cháy, lực lượng chức năng sẽ kịp thời triển khai việc kiểm tra thực địa và xử lý hiệu quả.

Quá trình sử dụng các phần mềm, Phòng QLBVR và BTTN luôn bảo đảm quân số trực 24/24 giờ. Với sự hiện đại, tiện dụng của các phần mềm, việc trực theo dõi có thể được thực hiện mọi lúc, mọi nơi qua máy tính hoặc điện thoại thông minh, đây cũng chính là một trong những tiện ích rất quan trọng của CĐS nói chung, ứng dụng các phần mềm QLBVR nói riêng.
Trao đổi về những kết quả bước đầu về CĐS trong lĩnh vực lâm nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Duẫn cho biết: Thời gian qua chi cục đã đẩy mạnh việc ứng dụng CĐS vào các hoạt động quản lý, điều hành, bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Trong đó, đối với nhiệm vụ QLBVR, đơn vị đã ứng dụng các phần mềm theo dõi diễn biến rừng và cảnh báo cháy rừng. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhưng về cơ bản, việc đưa các phần mềm nói trên vào sử dụng đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, nâng cao khả năng kiểm soát, QLBVR, giảm thời gian, công sức cho lực lượng QLBVR.
“Để phát huy hơn nữa tác dụng của các phần mềm, nhất là sau khi được nâng cấp, cập nhật phiên bản mới, đơn vị mong muốn tiếp tục quan tâm sự hỗ trợ trong công tác tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên phụ trách phần mềm, nhất là trong điều kiện biên chế lực lượng còn hạn chế như hiện nay. Bên cạnh đó cần đầu tư trang thiết bị máy móc đồng bộ, tương thích để phát huy tối đa hiệu quả của phần mềm, góp phần “bắt bệnh” cho rừng chính xác, kịp thời, từ đó triển khai các giải pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác QLBVR bền vững”, ông Duẫn cho biết thêm.

Ngọc Mai

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ