Ninh Thuận: Chuyển đổi số ở "thôn thông minh" đầu tiên của tỉnh

Thứ ba, 31/12/2024 - 09:59

Trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, UBND xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã xây dựng thành công mô hình “Thôn thông minh” đầu tiên của tỉnh tại thôn Tân Sơn 2, qua đó giúp người dân nông thôn tiếp cận gần hơn với các ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ninh Thuận: Chuyển đổi số ở "thôn thông minh" đầu tiên của tỉnh - Ảnh 1.

Năm 2023, khi thôn Tân Sơn 2 được UBND xã Thành Hải chọn làm nơi xây dựng mô hình “Thôn thông minh” đầu tiên của địa phương, công nghệ số đối với người dân nơi đây vẫn còn chưa phổ biến. Thế nhưng, chỉ sau thời gian một năm, hạ tầng viễn thông và internet trên địa bàn thôn đã được chính quyền địa phương đầu tư bài bản, thanh toán không dùng tiền mặt được người dân thực hiện thường xuyên, kết nối giữa Ban Quản lý thôn với các hộ dân qua ứng dụng mạng xã hội được đẩy mạnh. Anh Nguyễn Chí Hải, Trưởng Ban Quản lý thôn Tân Sơn 2 cho biết: Sau một năm xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, người dân trong thôn đã quen với việc ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hằng ngày. Ban Quản lý thôn cũng không còn vất vả khi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hoặc thông báo trên loa truyền thanh nữa, mà tất cả các công việc của thôn đều được thông báo trên nhóm Zalo để bà con kịp thời nắm bắt, mọi thông tin tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản chỉ đạo của địa phương đều được phổ biến nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cao. Với nhiều tiện ích thiết thực ứng dụng có hiệu quả trong cuộc sống, bà con hoàn toàn đồng tình ủng hộ và rất hăng say chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới thông minh.

Người dân quét mã QR để thanh toán trực tuyến tại một tiệm tạp hóa trên địa bàn thôn Tân Sơn 2.

Hiện nay, tại “Thôn thông minh” Tân Sơn 2, mạng lưới wifi được phủ sóng miễn phí khắp thôn. Các hộ kinh doanh trong thôn vừa kết hợp bán hàng theo phương thức truyền thống vừa sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tại các cơ sở kinh doanh, hộ buôn bán, quán ăn, quầy hàng gia dụng, tạp hóa trên địa bàn thôn... đều có bảng quét mã QR. Người mua hàng thay vì dùng tiền mặt chỉ cần quét mã qua điện thoại là có thể thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Gần 90% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử nên toàn bộ hoạt động mua bán hàng hóa, thanh toán tiền điện, nước, học phí... đều được người dân trong thôn thực hiện trên nền tảng internet bằng điện thoại thông minh. Toàn thôn đã vận động lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát để quản lý trật tự xã hội, an toàn giao thông và hệ thống điện chiếu sáng năng lượng mặt trời, góp phần xây dựng “Thôn thông minh” thêm sáng, xanh, sạch, đẹp. Không chỉ vậy, người dân trong thôn còn tích cực áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong việc quảng bá các sản phẩm.

Chị Lương Thị Mai Hương, Công ty TNHH Sản xuất và Chuyển giao công nghệ tảo Spirulina Trần Gia, thôn Tân Sơn 2, chia sẻ: Từ khi triển khai mô hình “Thôn thông minh”, ngoài diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, người dân địa phương cũng được thụ hưởng nhiều tiện ích từ chuyển đổi số, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, hạ tầng viễn thông và internet được đầu tư bài bản, công tác chuyển đổi số đi vào đời sống hằng ngày của bà con đã giúp những hộ kinh doanh như tôi có thêm cơ hội tiếp cận khách hàng, dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên môi trường số. Thông qua các ứng dụng mạng xã hội và tham gia các sàn thương mại điện tử, sản phẩm của công ty được nhiều người tiêu dùng biết đến, giúp cho việc buôn bán trở nên sôi động, lượng hàng bán ra nhiều hơn.

Đồng chí Cao Hoàng Vũ Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Hải cho biết: “Thôn thông minh” bao gồm các tiêu chí quan trọng như thiết chế thông minh, hạ tầng thông minh, sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh và nguồn lực thông minh. Sau một năm triển khai, 5/5 tiêu chí trong hợp phần “Thôn thông minh” đều đạt và vượt so với kế hoạch. Điều quan trọng là người dân và doanh nghiệp đã thực sự cảm nhận được lợi ích thiết thực từ mô hình này mang lại. Trong đó, những tiện ích chuyển đổi số tại “Thôn thông minh” đã và đang có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hiệu quả mang lại chính là động lực để địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình ra các thôn khác, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Minh Thương

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ