Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số

Thứ ba, 31/12/2024 - 09:13

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số”, huyện Yên Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực, đưa các ứng dụng số đến gần hơn với người dân.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số - Ảnh 1.

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số ở Sơn La

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND huyện Yên Châu đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn, mục tiêu hình thành chính quyền số với hệ thống dịch vụ số, các dịch vụ đô thị thông minh được triển khai rộng khắp, kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, bền vững.

Ông Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện đã đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức, giúp người dân, doanh nghiệp nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại, từ đó tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương. Đồng thời, huyện thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, tổ giúp việc, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả chuyển đổi số và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 169 bản, tiểu khu.

Phát triển chính quyền số, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai quy trình xử lý văn bản hoàn toàn trên môi trường mạng, trên phần mềm quản lý văn bản của cơ quan, đơn vị; duy trì sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành, hộp thư điện tử công vụ, hệ thống hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh - huyện - xã); ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Đến nay, UBND huyện đã triển khai 377 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 15/15 xã, thị trấn triển khai phần mềm chứng thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; triển khai thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ phải thanh toán phí, lệ phí; tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ dịch vụ công toàn trình đạt 98,4%.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng rộng, tạo môi trường thuận lợi trong công tác chuyển đổi số. Đến nay, 100% số xã, thị trấn có hạ tầng băng rộng cáp quang và triển khai mạng di động 4G; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh chiếm trên 80%...

Là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, Huyện đoàn Yên Châu đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực số cho ĐVTN. Đồng chí Vì Thị Đông, Bí thư Huyện đoàn Yên Châu, chia sẻ: Huyện đoàn đã ứng dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên tích hợp trên ứng dụng điện thoại thông minh. Tạo lập, cấp tài khoản để các cơ sở đoàn truy cập và thực hiện các nghiệp vụ thuộc thẩm quyền. Đến nay, 100% thông tin dữ liệu của đoàn viên toàn huyện đã được cập nhật, số hóa trên hệ thống phần mềm.

Chị Lừ Thị Hương, Bí thư Đoàn xã Chiềng Khoi, cho biết: Xã thành lập 6 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với lực lượng nòng cốt là ĐVTN xuống các bản hướng dẫn người dân kích hoạt, sử dụng tài khoản VNeID; tham gia với công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã hỗ trợ tiếp nhận thông tin và giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính, đăng ký tạo tài khoản thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Triển khai phát triển kinh tế số, huyện đã hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cập nhật và kê khai nộp thuế qua mạng; 100% các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử để nộp thuế. Huyện phối hợp với các sở, ngành, hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tiếp cận, nâng cao kỹ năng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Hiện nay, có 10 mặt hàng nông sản, 5 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến tiktok, zalo, facebook...

Được thành lập năm 2016, HTX Tây Bắc, xã Viêng Lán, đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, chế biến tỏi đen, hoa quả sấy, tạo dựng thương hiệu mang tên “Diệp Bách”. Không chỉ chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh mà HTX còn mở rộng các kênh tiêu thụ mới, phát triển các chuỗi phân phối trên cả nước. Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX đã quay phát trực tiếp lên mạng xã hội hình ảnh sản phẩm nông sản đặc trưng, như tỏi đen, chuối, xoài, mận hậu sấy dẻo... Nhiều khách hàng đã theo dõi, mời thêm bạn bè vào bình luận, đặt mua. Trung bình mỗi ngày, HTX chốt trên 100 đơn hàng qua hình thức livestream. Nhờ vậy, các sản phẩm được nhiều người biết đến và tiêu thụ tốt hơn.

Xây dựng xã hội số, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, y tế, như triển khai việc dạy và học trực tuyến, phê duyệt giáo án điện tử trong dạy và học; sử dụng căn cước và ứng dụng VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong khám, chữa bệnh... Nhiều nhóm dịch vụ công, như điện, nước, chi trả dịch vụ an sinh xã hội đã thanh toán bằng các phương thức điện tử, không dùng tiền mặt.

Với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số trên địa bàn huyện Yên Châu diễn ra mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Huyền

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ