Triển khai hiệu quả nhiều mô hình tiêu biểu
Xác định công tác CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Thanh Bình đã xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động về CĐS, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS và cải cách hành chính huyện. Trong đó, huyện quan tâm công tác thành lập và chất lượng hoạt động của các Tổ CĐS cộng đồng, mô hình “Áo xanh đồng hành cùng CĐS”, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về công tác CĐS, ra quân hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các App ứng dụng tiện ích như: VNeID, e-Dongthap, thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời nhân rộng các mô hình CĐS có hiệu quả, khuyến khích người dân mua sắm trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử và phát động ra quân “Tổ công nghệ số cộng đồng”; Cuộc thi tìm hiểu về CĐS trên ứng dụng e-Dongthap.
Nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất trong giải quyết thủ tục hành chính (THHC), các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Bình đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình tiêu biểu như: mô hình “5 TTHC - 5 giải quyết tại chỗ” được UBND xã Tân Phú triển khai thực hiện từ tháng 4/2023 đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm thời gian giải quyết một số TTHC cho người dân.
Đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND xã Tân Phú làm giấy đăng ký kết hôn, anh Dương Phước Em ngụ ấp Tân Thuận A, xã Tân Phú rất bất ngờ vì chỉ sau 15 phút đã nhận được kết quả. Anh Dương Phước Em chia sẻ: “Tôi đến làm giấy đăng ký kết hôn, cứ nghĩ công chức UBND xã sẽ hẹn vài ngày mới có kết quả. Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 15 phút đã được trả kết quả, giải quyết thủ tục rất nhanh nên tôi hài lòng với mô hình giải quyết TTHC của xã”.
Ngoài mô hình trên, UBND xã Tân Phú cũng triển khai hiệu quả mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng”, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số như: cài đặt ứng dụng chính quyền số qua ứng dụng di động e-DongThap, Email, Zalo... Đồng thời phân công người trực hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích (đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến); hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt thanh toán không dùng tiền mặt như: VNPT money, Viettel money...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Quyến - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết: “Trước đây, các TTHC có nhiều hồ sơ, việc giải quyết hồ sơ phải hẹn lại nhiều lần, thời gian giải quyết cho người dân không được nhanh chóng. Sau khi thực hiện mô hình “5 TTHC, 5 giải quyết tại chỗ” đã giảm được chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Thay vì, lúc trước các TTHC như đăng ký khai sinh hoặc khai tử thì giải quyết trong ngày nhưng khi triển khai mô hình đã thực hiện nhanh chóng, thời gian từ 30 - 45 phút là người dân có kết quả”.
Nâng cao giá trị ngành nông nghiệp
Trong Chương trình CĐS Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp được xem là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong công cuộc CĐS. CĐS trong nông nghiệp là giải pháp để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, cụ thể cho cây lúa, hoa màu và chăn nuôi. Hiện nay, huyện Thanh Bình bước đầu hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số và thông tin tuyên truyền CĐS trong nông nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã (HTX), nông dân. Bên cạnh đó, địa phương tổ chức truyền thông, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp của huyện và các nông hộ, HTX, hội quán có bước phát triển đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp số, thương mại điện tử, cấp mã vùng trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, giúp các hộ nông dân, HTX đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm, hàng hóa nông sản ra thị trường.
Ông Lê Đức Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, cho biết: “CĐS trong nông nghiệp cần sự chung sức thực hiện của người dân, bằng những việc đơn giản nhất là số hóa dữ liệu, cụ thể hơn là ghi chép nhật ký sản xuất, đây là bước cơ bản đầu tiên trong quá trình CĐS, từng bước lấy nền tảng dữ liệu phục vụ vào sản xuất của nông dân. Để thực hiện thành công việc CĐS ngành nông nghiệp, trước tiên phải có người nông dân số, bởi người dân là chủ thể quyết định đầu vào số hóa và là người ứng dụng, phát huy hiệu quả tối ưu của công nghệ số. Do vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, người nông dân phải mạnh dạn tiếp cận học hỏi và áp dụng tốt các công nghệ số hiện có”.
Đến nay, huyện Thanh Bình đã hoàn chỉnh và đưa vào vận hành chính thức nền tảng CĐS nông nghiệp, cụ thể các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, OCOP. Qua phần mềm vdapes.com số liệu ngành nông nghiệp đã thông thương các tuyến xã, huyện, tỉnh và từ đó đã định hình được các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tập trung với quy mô lớn như: lúa, ớt, xoài, cá tra... bảo đảm chất lượng về an toàn thực phẩm, đạt chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng, xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc...
Hiện tại, các địa phương trên địa bàn huyện đã ký cam kết theo lộ trình sẽ hoàn thành 100% diện tích lúa, rau màu và cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng đến năm 2025. Hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. CĐS trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị và tính bền vững. Công cuộc CĐS trong nông nghiệp đang được các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân huyện Thanh Bình đẩy mạnh nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh.
Ông Võ Thành Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, cho biết: “Với phương châm “CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã. Đến nay, công tác thực hiện CĐS của địa phương bước đầu đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi như: nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện đã có nhiều chuyển biến rõ nét; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ CĐS từng bước được đầu tư, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, người dân.