Để chuyển đổi số đi vào thực chất ở Phú Yên

Thứ ba, 31/12/2024 - 15:49

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của phát triển KT-XH. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, phải thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, triệt để trên cơ sở gắn với ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và đạt kết quả tích cực. Hạ tầng số của tỉnh ngày càng phát triển, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng tăng cao. UBND tỉnh đã công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, với 718 dịch vụ; trong đó cấp tỉnh 650 dịch vụ, cấp huyện 60 dịch vụ và cấp xã 8 dịch vụ.

Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử cũng đạt kết quả tốt. Điển hình như 100% thủ tục hành chính lĩnh vực ngân hàng, BHXH, GD&ĐT được sử dụng thông tin cá nhân trong căn cước công dân gắn chíp để xác nhận thông tin cá nhân, công dân không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ như trước đây…

Những lợi ích của chuyển đổi số mang lại đã thấy rõ, không chỉ tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, mà còn xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; cung cấp nhiều dịch vụ công thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua Chuyển đổi số đến năm 2025, tập trung vào các nội dung: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình chuyển đổi số; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, nhiệm vụ của chuyển đổi số với các nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chú trọng thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số đối với các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển đô thị văn minh, y tế, GD&ĐT, GTVT và logistics; tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường…

Vai trò của chuyển đổi số đối với sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Để phát triển kinh tế số, xã hội số, đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp phải quyết liệt hơn thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, không phải đơn vị, địa phương nào cũng tiếp cận sử dụng nền tảng số và triển khai thực hiện tốt công tác này. Một số nơi còn xem nhẹ việc chuyển đổi số, nên người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững. Vai trò của người đứng đầu trong công tác này rất quan trọng và nếu chỉ làm hình thức, thiếu quyết tâm thì nhiều mục tiêu lớn sẽ khó hoàn thành và làm chậm quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số không chỉ là nêu khẩu hiệu, mà phải đi vào thực chất trong việc sử dụng nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; là công cụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để chuyển đổi số đi vào thực chất ở Phú Yên - Ảnh 1.

Chuyển đổi số phải đi vào thực chất

 Để phong trào thi đua chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công và tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị, địa phương; tuyệt đối không được làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi".

Minh Đăng

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ